luna

x_3d6a9dba

Thứ Tư, 24 tháng 12, 2008

Merry Christmas 2008


"Thêm 1 mùa giáng sinh xa nhà, chính xác là bao xa thì google map nó cũng ko tính được.
Sáng ngày 24 dậy sớm đi mua quà cho mọi người, về gói gém cẩn thận, và còn tự làm thiệp.
12 h vác đồ đến nhà bạn giúp chuẩn bị tiệc hoành tráng.
5 h tiệc mới bắt đầu. Khai vị bằng những cốc champagne sủi bọt. Bà ngoại ( nuôi) đem ra 1 chai champagn bà đã ủ...10 năm, ko ai dám mở hay lắc vì sợ nó nổ. Chị nuôi đội mũ bảo hiểm đứng xa 3 mét. Bà hỏi đùa ai cũng có bảo hiểm rủi ro hết rồi chứ.
Trong bầu không khí căng thẳng, nắp rượu bật ra. Trái với dự đoán, chai rượu không có 1 tí bọt, uống như nước nho ép, thế là phải cứu nguy bằng mấy chai con. Sau đó khai vị bằng món cá hồi xông khói. Món chính cho buổi tối hôm nay là món Raclett của Thụy Sĩ ( chớ ko phải là pháo bông rocket), giống như cái lẩu nướng của VN mình, bỏ đồ lên cái mâm nướng ăn tại chỗ, rất chi là ngon. Mình nướng đủ thứ: tàu hủ, thịt gà, thịt xông khói, trứng, xúc xích các loại, rau củ, phomat...trong không khí đầm ấm yêu thương ruột thịt ( mặc dù ko phải là ruột thịt). Sau khi ăn xong, mọi người cùng hát các bài thánh ca, hát chính hát bè và cả...hát nhép ( là mình). Chị gái làm ca sĩ opera nên giọng hay vật vã. Sau khi hát xong thì mọi người cùng mở quà, ai cũng nhận được nhiều quà, mình cũng thế, được cái phiếu mua quần áo, và nhiều thứ đáng yêu khác. Vui ơi là vui. Sau đó mọi người cùng ăn bánh kem ( mình tự mua chứ ko tự làm) và chơi trò chơi. Sau đó cùng chụp hình tự sướng và ngồi quây quần kể chuyện cho nhau nghe.
Đêm trước giáng sinh kết thúc lúc 9h tối để bà còn đi ngủ và chị ngày mai đi làm.
Sau đó mình đến chỗ khách sạn, trong nhà hàng có nhiều khách, quầy bar thì ít hơn, ngồi đó tới hơn 12 h về nhà vì thấy buồn ngủ lạ. Ngủ 1 giấc đến 8 h sáng thì thấy là mình quên treo cả vớ lên, ông già Noen đêm qua chắc ko có vớ để bỏ quà vào nên sáng nay ngủ dậy ko có quà của ông già Noen. Tự an ủi dù sao nhà cũng ko có ống khói, có để vớ thì ông cũng ko trèo vào được.
Sáng nay, 25-12, ko khí im ắng bao trùm cả thành phố. Lái xe dạo 1 vòng, thì nơi nào cũng vắng tanh. Tất cả các siêu thị, nhà hàng đều đóng cửa. Hôm qua toàn ăn thịt là thịt, hôm nay định mua tàu hủ/ đậu phụ về...dồn thịt ăn mà ko có, đành phải qua nhà bạn ăn tiếp, vì đồ ăn hôm qua còn nhiều.
Đi trên đường chỉ có mỗi 1 mình, cảm giác như mình là nhân vật chính của 1 bộ phim hành động, hay cảm giác như con đường được xây dựng chỉ để mình đi. Lòng thấy yên tĩnh lạ thường.
Đèn đỏ.
Bỗng dưng tuyết rơi dưới trời nắng đẹp, radio phát mấy bài giáng sinh classics, khung cảnh lãng mạn khiến mình mê say con gà tây, tiếc là ko có máy ảnh Kodak ghi lại những khoảnh khắc, mở cửa kiếng đưa những ngón tay búp măng ( mèo khen mèo dài đuôi) ra chạm vào những bông tuyết( là những tinh thể H2O tinh khiết kết tinh có tỉ khối riêng d=1), một cảm giác rất Mc-Donald ( bên đây cái đó phổ biến hơn, chưa vào bao giờ nhưng lũ bạn mở miệng ra thì cứ Mc Donald, hình như vì đó là công ti mẹ của máy quả táo Mcbook...).
Quay sang bên cạnh thấy có 1 anh mắt vàng tóc xanh, à ko, tóc vàng mắt xanh chạy chiếc C-class 630 AMG động cơ chữ V kép 12 xilanh tốn 17 lít xăng cho 100 km, tăng tốc lên 100km/h trong 4,6 giây. Thời buổi kinh tế khó khăn, tuy xăng dầu có giảm còn 34 $ 1 thùng nhưng anh cũng ko nên hoang phí thế. Anh đang nhìn mình, từ từ gỡ kiếng đen Ray-ban ra, vuốt lại mái tóc Head & Shoulder và cười thật tươi với hàm răng Close-up làm choá ánh mặt trời vào đôi mắt nai của mình. Mọi thứ diễn ra rất trình tự bài bản như minh tinh điện ảnh trong 1 phân đoạn của loại phim thần tượng Đài Loan. Cũng may mình đã được huấn luyện qua các tình huống thế này nên vẫn bình tĩnh đáp trả bằng 1 nụ cười mỉm tỉnh bắp rang bơ. Trong bụng thầm nghĩ, nếu như là ở VN và 2 đứa đang chạy xe máy, có lẽ anh đã đi theo dàn hàng đôi cù cưa như đám con trai ở nhà vẫn làm, tiếc 1 phút.
Thế là gần hết 1 năm, ngày 28 này mình sẽ qua Bratislava ăn tết. Năm nay bên đó tổ chức lớn, có cả phóng viên VN sang quay hình. Tất niên ở đây tổ chức muộn hơn. Bỗng nhớ câu ông bà ta nói: " tháng giêng là tháng ăn chơi..."

Thứ Năm, 18 tháng 12, 2008

Bill Gates và những chuyện sau cánh gà


Đoạn viết trích trong sách " Những âm mưu hủy diệt Bill Gates". Là 1 tấm gương vĩ đại về sự thành công vượt bậc và những nỗ lực làm việc ko mệt mỏi, 1 " bộ óc vĩ đại", một nhà chiếc lược tầm cỡ, và nhiều năm là người giàu nhất thế giới. Người hâm mộ ông có thể sử dụng tất cả những danh từ hoa mĩ nhất để kể về ngưởi đàn ông phi thường này. Và tất nhiên bên cạnh đó, cũng có những đối thử cạnh tranh, những người ghen ghét với Bill Gates. Họ tìm mọi cách để hạ thấp Bill gates và mỉa mai ông.
Nhưng dường như đế chế " Microsoft" dưới sự dẫn dắt của Bill Gates thực sự vững chãi và hùng mạnh, vô hình trung những cuốn sách " Phản Bill Gates" ( Anti-Billgates) chỉ khiến người ta càng khâm phục 1 con người vĩ đại, một tấm gương vĩ nah6n chói sáng của thế kỉ 20, ko những về tài năng kinh doanh, tầm nhìn mà còn về đạo đức và lòng nhân đạo.
Đọc đoạn trích này cũng để thấy thành công phải trả giá như thế nào:
Entry này khô khan và dài nên nghiêng về cho những người yêu công nghệ và thích Bill Gates:

Bill Gates và những câu chuyện sau cánh gà


Tại thung lũng Silicon, mọi người đặt không biết bao nhiêu là những cái tên không lấy gì làm hay cho Microsoft. Có một hình ảnh được ví von phổ biến nhất dành cho Microsoft là Borg, đội quân trong phim truyền hình nổi tiếng Star Trek.
Scott McNealy, một trong số "cây đại thụ" của làng công nghệ thế giới, từng phát biểu với tờ Newsweek hồi cuối năm 1996 như sau: “Có hai phe phái. Những người ở Redmond, sống ở con tàu vũ trụ Death Star trong bộ phim Star Wars, là biểu tượng của cái ác, và phần còn lại là chúng ta, những kẻ nổi loạn - phe tốt”.
Và nếu Bill Gates thực sự là “Darth Gates” - nhân vật Darth Vader trong phim Star Wars như McNealy thường nói, thì điều đó có nghĩa McNealy chính là Luke Skywalker - con trai của Darth Vader, trong cùng bộ phim, người cầm đầu những kẻ khố rách áo ôm của mình vào trận. Scott McNealy - Giám đốc điều hành Sun Microsystems và Eric Schmidt - Giám đốc Google - cũng có chiều hướng xem Microsoft là kẻ xâm lược, dù chí ít ông cũng giới hạn việc so sánh của mình một cách thực tế hơn, ngay trên hành tinh của chúng ta.
Schmidt nói về Microsoft trong bài phát biểu cũ kỹ đã đọc hàng trăm lần vào năm 1996 như sau: “Họ giống như đội quân Mông Cổ ngày xưa. Họ tấn công bằng sóng chiến binh, lớp lớp, tất cả đều có thể hy sinh”. Microsoft có thể bắt nhân viên làm hàng trăm giờ một tuần cho đến khi không còn ai làm việc, nhưng bù lại công ty có một nguồn bổ sung lính mới vô hạn khoảng 15.000 hồ sơ xin việc mỗi năm. Schmidt phải thừa nhận: “Không thể đánh bại Microsoft bằng chiến tranh tiêu hao”.
Một hình ảnh ví von phổ biến dành cho Microsoft là so sánh tập đoàn này với Borg, một đội quân trong phim Star Trek. Một phần vì Star Trek quá phổ biến trong giới yêu thích các thể loại phim này và một phần vì sự so sánh dường như quá đúng. Borg là một nền văn minh thần thoại của những sinh vật có thể hoán đổi cho nhau và không biết đến khái niệm mệt mỏi. Những sinh vật này tập hợp thành một khối thống nhất, nhận lệnh từ bộ não trung ương qua một phần cứng gắn trong não chúng.
Borg di chuyển trong vũ trụ như những khối kim loại khổng lồ không thể xuyên thủng, ngốn ngấu tất thảy những gì nằm trên đường đi của nó. “Chúng ta là Borg đây” - nó thông báo như thế khi va vào những phi công lái con tàu không gian Enteprise trong phim First Contact. “Hạ khiên xuống! Nộp tàu đi! Chúng ta sẽ bổ sung đặc trưng sinh học và công nghệ của các người vào của chúng ta. Nền văn hóa của các người sẽ được sử dụng để phục vụ chúng ta. Kháng cự cũng vô ích!”. Một khi đã trở thành bộ phận của hệ thống, tự do sẽ không còn nữa mà được thay thế bằng sự tận tụy với não trung tâm của con tàu. Máy bay không người lái có thể trì độn giống như một người máy, nhưng Borg là một kẻ thù cực kỳ ghê gớm vì bộ não thuộc thuyết hình người của nó có thể học và tự điều chỉnh, phá vỡ mọi thủ đoạn mới mà con người lừa nó.
Những kẻ ở Redmond có thể rất bực tức với những lối so sánh như vậy, nhưng những người trung thành với Microsoft cũng chẳng kém, họ có chiều hướng vay mượn những thuật ngữ quân sự để mô tả đối thủ cạnh tranh mình. Ngày 7/12/1995, Gates tuyên bố Microsoft là một công ty Internet, khi đó, ông đã coi Microsoft là nước Mỹ và Netscape là nước Nhật.
Vào lễ kỷ niệm 54 năm trận đánh bom Trân Châu cảng, ông lặp lại lời Đô đốc Nhật Yamamoto: “Tôi e rằng chúng ta đã đánh thức tên khổng lồ đang ngủ”. Trở lại trụ sở Microsoft, đội quân này đang làm việc cật lực đến nỗi không có thì giờ để xem truyền hình cáp. Cuộc chạy đua marathon này được dựng lên cho giới báo chí cũng như giới phân tích ở Wall Street xem. Thế nhưng thông điệp của Bill Gates vẫn được truyền với hiệu quả nhanh như máy cho 20.000 nhân viên của công ty. Bài phát biểu của Gates được gửi qua e-mail cho tất cả nhân viên. Nhân viên sau đó còn nhận được một băng video của Gates thông qua mạng nội bộ.
Thomas Reardon - người đã làm cho toàn bộ nhân viên của Microsoft đóng vai trò quan trọng trong bước chuyển dịch sang Internet - phát biểu như sau: “Nhiều khi mọi người có chiều hướng so sánh Microsoft với chiếc tàu chở dầu cực lớn nhưng điều đó không đúng. Chúng tôi là một đội xuồng máy tốc độ cao - một đội thuyền tuần tiễu (PT) - không phải lúc nào cũng chạy cùng một hướng. Do đó, khi Bill đứng lên và phát biểu: Internet là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi thì ông đã chấm dứt mọi chuyện tranh cãi om sòm. Ý nghĩa của bài phát biểu, ít nhất trong nội bộ công ty, là nó lái mọi con tàu, định hướng cho mọi con tàu PT đi đúng hướng”.
Ở các công ty khác, mọi người thường chia thành nhiều phe. Họ sẽ cằn nhằn trong các buổi tập hợp đột xuất ngoài hành lang, tranh luận về tính khôn ngoan của chỉ dụ này từ phía giới lãnh đạo. Tuy nhiên, tại Microsoft, khi Tổng tư lệnh đứng lên ban công ra sắc lệnh thì các con chiên ngoan ngoãn tuân theo. Ngày nay Microsoft là một công ty Internet, và Internet sẽ thâm nhập vào mọi khía cạnh kinh doanh của công ty. Bộ não vĩ đại (Bill Gates) đã tuyên bố điều đó, cho nên bây giờ toàn bộ mọi người đều cùng một tiếng nói chung rằng, kiếm ăn bằng Internet là ưu tiên số một của Microsoft.
Nếu có tay ký giả nào đó đến Microsoft để phỏng vấn một nhân viên - hay thăm dò bất kỳ một thành viên nào của xã hội Borg này khi mà người này được nối với bộ não trung ương - thì không bao giờ gã đó được tự do một mình. Một ngày phỏng vấn trọn vẹn diễn ra như sau: mười phút trước cuộc gặp đầu tiên, sẽ có ai đó - sẽ luôn kè kè theo tay phóng viên - gặp gã tại một bàn kiểm tra an ninh và ra chào tạm biệt nhà báo tại xe sau cuộc gặp cuối cùng.
Thường thì đội hộ tống bao gồm một trong số hơn 400 nhân viên làm việc cho Waggener Edstrom - cơ quan quan hệ đối ngoại (PR) của Microsoft. Những người từng biết đã gọi cơ quan này là “Wagg-Ed”. Người đại diện Wagg-Ed cầm trên tay một tập hồ sơ trong đó có tên của nhà báo nọ. Trong hồ sơ là các bài báo mà gã nhà báo đó đã viết và những cảm tưởng của người khác viết về gã đó trong cuốn sổ cảm tưởng đính kèm trong hồ sơ. Người tháp tùng thông báo với nhà báo là cô ta ở đó để giúp đỡ, tạo điều kiện và cung cấp thông tin nhà báo muốn hỏi, nhưng sự thực sâu xa hơn là cô ta ở đó để theo dõi mọi thông tin đang được tiết lộ về Microsoft, và trong những trường hợp khẩn thiết, nhằm phanh lại ngay nếu thấy có xu hướng bất lợi cho Microsoft. Nếu sau đó Microsoft nhất thiết phải gọi điện bổ sung thông tin cho nhà báo thì người tháp tùng ở Wagg-Ed sẽ nghe để theo dõi.
Không giống những tay Softies (nhân viên Microsoft) trẻ khác bắt chước một cách vô thức như sếp, Reardon không vừa ngồi vừa rung ghế như Gates, nhưng có cùng một phẩm chất là không thể ngồi lâu một chỗ được. Ông ta giống như nhân vật Uriah Heep trong David Copperfield của Charles Dickens. Hệt như một vận động viên uốn dẻo, ông có thể vòng hai tay ôm lấy thân mình, xoắn hai chân lại vào chiếc ghế đang ngồi, nghịch các ngón tay, buộc chúng thành nút.
Ai cũng biết đó là nhân vật được Gates rất thích, có lẽ do cách ứng xử của ông trong những năm mà người trong cuộc gọi là “BEC” (nghĩa là Bill và EC - Hội đồng điều hành). Đó là các cuộc họp kiểm điểm về sản phẩm trong đó Gates và những nhân vật chủ chốt (trong đó có Reardon) tra hỏi các nhà quản lý dự án. Những cuộc họp kiểu đó thật nguy hiểm đối với tất cả mọi người, trừ những người rắn mặt. Nhưng Reardon có một dòng máu hiếm hoi dường như có thể phát triển được trong môi trường này.
Thông thường, Reardon, nhà thương thuyết chủ chốt của Microsoft, sẽ đứng ra đảm nhiệm nhiệm vụ này. Reardon cùng hai đồng nghiệp bay tới Mountain View vào mùa thu 1994 để tìm hiểu khả năng làm ăn với Netscape. Theo Reardon nhớ lại, vị Phó giám đốc Tiếp thị của Netscape không hề tỏ ra lịch sự, mà huỵch toẹt ngay: “Chúng tôi không có ý định thỏa thuận mua bán gì với Microsoft hết”. Reardon nói: “Họ có thái độ rất trái ngược, không ra trắng cũng không ra đen”.
Cuối cùng, công ty ký được hợp đồng với Spyglass. Spyglass đã mua mã trình duyệt (browser code) do Marc Andreessen hỗ trợ viết tại Đại học Illinois. Vở kịch quen thuộc của Microsoft là chào mua sản phẩm với giá thấp một cách thảm hại, rồi sau đó buộc đối thủ phải bã bọt mép ra để đòi hãng trả thêm từng xu. Vụ hợp đồng với Spyglass là ví dụ điển hình. Microsoft mở đàm phán bằng việc trả giá tối đa là 100.000 USD để đổi lấy quyền Microsoft phổ biến sản phẩm của Spyglass ra toàn cầu, mặc dù Microsoft đã đề xuất bán sản phẩm này kèm theo cho hàng chục triệu người sử dụng Windows. Số tiền này lớn hơn số tiền Spyglass có trong nhà băng, nhưng những nhà đàm phán đã kéo dài hàng tuần ròng rã. Cuối cùng, hai bên thỏa thuận mức giá là 2 triệu USD. Sản phẩm này được gọi là Internet Explorer - hay gọi tắt “IE” đối với những ai am hiểu về máy tính. Đầu năm 1996, Microsoft để lộ ra bức thư báo của Gates, trong đó ông có ví Internet với một “con sóng thủy triều” vĩ đại.
Ra đời từ cuối mùa xuân năm 1995, Internet chứng tỏ rằng Gates không phải là tên ngốc về web. Nhưng thư này lại được viết theo phong cách lập lờ đánh lận con đen (“Có lẽ các bạn đã được thấy những thư báo của tôi và người khác ở đây về tầm quan trọng của Internet”). Mặc dù có thư này, mọi người ở Microsoft vẫn còn phản đối Reardon và đội quân của ông khi họ kêu gọi một danh sách dài các nhiệm vụ phải làm liên quan đến Internet. Nhưng sau đó, Gates đề ra chiến lược ngày 7/12 về “việc tập trung toàn bộ” cho Internet (thay vì chỉ tạo ra một bộ các giao thức Microsoft riêng cho giao tiếp qua Internet, như đang được thảo luận nội bộ) và “mở rộng” nó để tạo ra các loại vị trí độc quyền, khiến cho các công ty khác không còn cách nào khác ngoài việc phải sử dụng các bộ giải pháp Internet của Microsoft. Chỉ sau bài diễn văn này, Reardon mới thấy là không ai điều ra tiếng vào gì nữa mỗi khi ông và đội quân của ông kêu gọi tăng viện thêm nhân viên cho những công việc liên quan đến Internet.
Đối với Reardon, cuộc sống ở Microsoft trước khi Gates kêu gọi hành động “hướng vào Internet” vào ngày 7/12/1995 đã rất căng thẳng, nhưng sau đó mọi việc diễn ra như thể chẳng có gì tồn tại ngoài cái “ảo tưởng” Internet. Reardon tâm sự: “Chứng tôi bị ám ảnh về nó suốt bảy ngày trong tuần”. Những sự kiện lớn lao hơn, như cuộc bầu cử Tổng thống năm 1996 và một mùa hè đầy thiên tai, chỉ là những âm vang mờ nhạt. Gặp bạn bè - ở đây những người không liên quan đến đời sống công việc của ông - là cái gì đó rất xa xỉ mà ông không có thời gian. Thế nhưng, trong khi người ngoài có thể xem cuộc sống đó là một sự đau đớn âm ỉ về thể xác và một sự trống trải tâm hồn đến rợn người thì Reardon lại coi thời gian đó là những năm tháng đẹp nhất trong đời ông. Ông tâm sự: “Mọi người đều cảm thấy gắn bó với nhau bởi một sứ mạng chung”.
Những việc không chê vào đâu được bị gác lại và những dự án dài hơi được xây dựng lại hoàn toàn. Công ty cần phải tìm ra phương pháp nhằm thăm dò với ngôn ngữ Java. Do vậy, người đứng đầu bộ phận công cụ phần mềm tập hợp một trong các nhóm của mình lại, thông báo rằng bây giờ họ là một phần của đội ngũ Java. Ông nói: “Hãy xóa hết mã nguồn trong máy các anh đi và bắt đầu làm việc với Java. Kể từ hôm nay”. Với chỉ thị này của Gates, có những người sẽ phải từ bỏ một dự án còn dang dở, chết yểu chỉ mới sau khoảng 2 năm rưỡi mồ hôi nước mắt, và họ có thể bắt đầu tưởng tượng những gì họ được hưởng sẽ chỉ là một bữa tối an ủi trước khi họ trở về văn phòng để rồi bắt đầu bài học vỡ lòng lúc 10 g chiều về cái mớ bòng bong của kỹ thuật Java mới đầy rắm rối.
Để thực hiện lệnh của Gates, mỗi giám đốc sản phẩm và mỗi lập trình viên phải nghĩ lại về mọi vấn đề mà họ đang tiến hành. Làm sao để xây dựng một sản phẩm để có thể khai thác Internet? Nếu bạn đang làm trò chơi cho trẻ em trong bộ phận sản phẩm tiêu thụ thì mối quan tâm không phải là có thể làm cái gì trên CD-ROM mà có thể làm cái gì trên Internet. Bộ phận công cụ phần mềm bây giờ trở thành bộ phận công cụ Internet; và nhóm trình duyệt, mà một năm trước chỉ có 6 người, đã mở rộng từ 30 người trước ngày 7/12 lên đến vài trăm người ngay trước thời điểm chuẩn bị bước sang năm 1996. Trong vòng ba tháng, công ty đã xây dựng được một bộ phận Internet gồm 2.500 nhân viên mới toanh, “vừa được làm lễ rửa tội” - cái mà Reardon, vô tình lại lặp lại lời Eric Schmidt, mô tả như sau: “Cuộc tấn công của một biển người”.
Khoảng 800 trong số họ sẽ len lỏi vào Windows - cái mà dân kỹ thuật gọi là “tính năng Internet” - tức là những công cụ cần thiết để tạo ra một trang web nhanh hoặc để gửi một bảng tính Excel qua mạng tới một người sử dụng Excel. Theo sau bước tiên phong của AOL, Microsoft đã tạo ra một Mạng Microsoft (MSN), một thế giới chat room và những dịch vụ khác kết nối qua modem nhưng được ngăn với phần còn lại của Internet. Nhưng bất chấp việc đã đổ hàng chục triệu đô la dành cho MSN, và mất 30 tháng làm ra nó, Microsoft vẫn tiếp tục tái phát minh MSN và sau ngày 7/12, MSN được tái sinh thành một dịch vụ truy cập Internet có chức năng như một cổng vào (gateway) đến với mọi dịch vụ của Internet. AOL, một thời từng là kẻ cạnh tranh bị khinh miệt, giờ được tán dương dữ dội là một người bạn quý, là vì Microsoft muốn trình duyệt của mình được nhét vào hàng chục triệu CD phần mềm miễn phí mà AOL đang tung ra như mưa cho người tiêu dùng Mỹ.
Tại Netscape, Giám đốc điều hành Jim Barksdale khuyến khích mọi nhân viên mỗi tháng nên có một kỳ nghỉ cuối tuần ba ngày. Mùa xuân năm đó, ông cho đóng cửa văn phòng để tổ chức một Netscape Escape Day (Ngày giải phóng khỏi Netscape) một cách ngẫu hứng. Đó không phải là khí thế mà Gates khuyến khích tại Microsoft. Sáu tháng trước khi MSN được tái sinh, một phóng viên của tờ Business Week đến thăm bộ phận công cụ của công ty. Đó là vào một buổi tối thứ Sáu rất thú vị của tháng Năm. Đã quá giờ về rất lâu, thế mà gần như một nửa nhân viên văn phòng vẫn còn đang tất bật. Phóng viên Kathy Rebello của tờ này viết: “Nhìn những tách cà phê đã cạn khô và những cái túi ngủ treo đằng sau cánh cửa cũng đủ biết họ sẽ qua đêm tại đây. Có lẽ là đêm sau, đêm sau nữa. Và cũng có lẽ là đến năm sau vẫn vậy”. “Microsoft - hiện đã là công ty lớn mạnh tột bậc - lại đang chuyển dịch sang một quy mô mới” - một e-mail tập thể trong hệ thống của Microsoft đã chỉ ra điểm này thông qua một sự hài hước, so sánh lời khuyên thường lệ mà một người thường nhận được từ Giám đốc nhân lực giỏi múa mép với cương lĩnh của Microsoft. Thường nếu ai khôn ngoan thì sẽ biết làm theo câu này: Hãy làm việc theo tiếng nói của cơ thể bạn, còn Microsoft thì “Hãy làm việc cho đến khi nào những đau đớn về thể xác đẩy anh vào chỗ vô thức”.
Bức e-mail khuyên: “Hãy luôn cố gắng làm cái gì đó. Bạn có trách nhiệm về mọi việc”. Nếu nói không thì chẳng khác nào bạn đã “tỏ ra yếu kém, và làm giá cổ phiếu giảm xuống... Nếu bạn lúc nào cũng chỉ nghĩ đến giải lao và đầu óc lúc nào cũng lãng đãng, có thể bạn đang gây ảnh hưởng xấu đến giá cổ phiếu trên thị trường”. Một đối tác tiềm năng của Microsoft có thể sẽ vào mạng và đọc e-mail buổi sáng và thấy ba e-mail đã nhận được từ một Softie từ khi Softie này rời văn phòng muộn đêm hôm trước. Tất cả đều có mốc thời gian là sau nửa đêm, trừ e-mail cuối cùng. E-mail cuối cùng cho thấy Softie đã lại trở lại bàn làm việc ngay từ sáng sớm ngày hôm sau. Trong một cuộc họp báo đầu năm 1996, Gates nói, mỗi sáng thức dậy, ông đều trăn trở về cổ phiếu của trình duyệt. Do đó, ở Microsoft, người ta thường nói đùa rằng họ có một ưu tiên mới phải làm, đó là: làm việc tới khuya để ban đêm Bill được an giấc.
Ngày trước, khi còn đang vướng trong cuộc tranh luận về vấn đề liên quan đến sản phẩm, Bill Gates thường là người ra về cuối cùng sau mỗi cuộc họp. Ông luôn sôi nổi, đóng góp bất kể vào giờ nào. Mặc dù, vào giữa thập niên 1990, ông vẫn là người ra về cuối cùng, nhưng thường thì kiệt quệ, căng thẳng, bị đánh tơi tả từ mọi phía. Thậm chí nếu ông không thể tìm ra từ để phát biểu, lúc ấy ngôn ngữ cơ thể của ông cũng lên tiếng: Liệu chúng ta có thể nói chuyện vào lúc khác được không? Thế nhưng Bill không bao giờ dừng lại, dù con số doanh thu công ty đã lên tới hàng tỷ. Trên đường đi, ông vẫn thích khoe khoang về tất cả công việc ông đã tranh thủ nhồi nhét trong 16 tiếng đồng hồ làm việc: Ba buổi để các nhà báo chụp hình, một đôi bài phát biểu, bảy cuộc họp khách hàng, đó là không kể hai giờ đồng hồ thăm văn phòng mới của Microsoft ở thành phố.
Khi ở thành phố, Bill không ở lại văn phòng vào các ngày cuối tuần, nhưng vẫn dành nhiều thời gian các ngày thứ Bảy và Chủ nhật trước màn hình máy tính, soạn e-mail, chuẩn bị diễn văn, duyệt các báo cáo. Tháng 4-1996, vợ Bill Gates, Melinda Gates, sinh cô con gái đầu lòng Jennifer Katharine. Theo quy định Microsoft, các ông bố được nghỉ phép bốn tuần sau khi vợ sinh, nhưng chỉ ba ngày sau khi Jennifer ra đời, Bill đã trở lại làm việc. Tại sao ông lại tất bật như thế? Đơn giản vì ông còn phải chinh phục mạng Internet. Vì ông là lãnh đạo, là người mà tay rê chuột, chỉ vào đường tới tương lai!
Nhưng nếu tai ương của hiện tại không phải là Internet thì hẳn là một cái gì khác. Dù đã giành được những thành tựu như vậy, Gates vẫn điều hành Microsoft như thể công ty này đang luôn đứng bên bờ vực của ngày tận thế. Ở hầu hết các công ty giao dịch chứng khoán, cuộc họp hàng năm của các nhà phân tích Wall Street là thời điểm để phô trương những gì nó sẽ đạt được trong năm tới. Còn ở Microsoft, năm nào cũng như năm nào: đầu tiên, các giám đốc điều hành công ty báo cáo về các con số doanh thu chói lọi mà công ty thu được, nhưng họ cũng sẽ dự đoán tất tật mọi thứ có thể đi sai hướng trong một năm tới. Giống như tờ cáo bạch của một công ty bảo hiểm, Gates luôn nước đôi rằng: cứ nói mãi về thành tựu quá khứ không phải là một sự bảo đảm cho thành công tương lai, nhưng đồng thời Gates luôn nói như thể, không còn hồ nghi gì nữa, đó sẽ là năm giá cổ phiếu sẽ tăng cao.
Gates phát biểu với tờ Time hồi cuối năm 1996: “Tôi không nghĩ các bạn sẽ phải phỏng vấn tôi... Nếu chúng tôi không còn nhiều sức sống nữa, bạn sẽ là người viết văn bia cho chúng tôi”. Đúng là Gates, thể hiện rõ căn bệnh hoang tưởng lành mạnh của một CEO năng nỗ nhưng quá phóng đại, nhiều khi đến mức ngớ ngẩn. Tính đến năm 1996, tập đoàn Microsoft đạt doanh thu 4 tỷ USD mỗi năm, và Office thậm chí còn vượt xa Windows về mặt lãi suất. Cũng đóng góp vào doanh thu này là bộ phận khách hàng, bộ phận công cụ và kinh doanh ngôn ngữ máy tính của công ty và một số trung tâm lợi nhuận khác. Thế nhưng Gates vẫn mường tượng một sự sụp đổ về tài chính nếu Microsoft không giành được vị trí số một trong cuộc cạnh tranh Internet. Tờ Time đăng một dòng như sau: “Một trận chiến lịch sử đang diễn ra giữa Microsoft và Netscape”; và một tít phụ rất kêu: “Người thắng sẽ bỏ túi hàng tỷ, kẻ thua sẽ bị bóp chết”.
Cuối năm 1996, Microsoft có 9 tỷ USD trong ngân hàng, còn Netscape chỉ có 203 triệu USD. Dù vậy, Gates vẫn làm ra vẻ Microsoft lép vế so với một kẻ thù cố thủ. Microsoft đứng thứ 39 về lợi nhuận trong danh sách 500 tập đoàn giao dịch chứng khoán lớn nhất của Mỹ của tạp chí Fortune năm 1996 và xếp thứ 9 trong hạng mục mà tạp chí này gọi là “giá trị thị trường” với 61 tỷ USD. Công ty được coi là “đứng trước bờ vực phá sản” này có trị giá lớn hơn Exxon, Chevron, Procter & Gamble, Citicorp, General Motors. Microsoft chỉ thua IBM.
Vào đầu năm 1996, một lần nữa, IBM có giá trị hơn Microsoft, với giá trị thị trường vượt 68 tỷ USD. Công ty “tưởng đã xuống dốc” này thu được 72 tỷ USD doanh thu vào năm 1995 (đứng thứ 6 trên đồ thị doanh thu của tạp chí Fortune) và đứng thứ 5 về lợi nhuận. Rõ ràng, cổ phiếu IBM đã giảm vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, nhưng, ngay cả khi một nhà đầu tư đã mua cổ phiếu của IBM vào thời điểm giá cao năm 1987, thì số tiền vẫn tăng được gấp đôi vào đầu năm 1999.
Vậy thì mối đe dọa Internet là gì? Thứ nhất, những người tại Microsoft - những kẻ luôn tự tin rằng Chúa đã cho họ cái quyền được thu ít nhất 50 cent trên mỗi đôla - cảm thấy họ phải thu được ít nhất là 50 cent trong mỗi đô la được tạo ra trên thị trường phần mềm máy tính cá nhân. Thứ nữa, nếu để lỡ cơ hội vàng này, có nghĩa cổ phần công ty sẽ có nguy cơ tụt giá. Uy tín thị trường của công ty vượt General Motors không phải vì mỗi năm Microsoft đều tăng doanh thu mà vì mỗi năm công ty này đều có lợi nhuận hơn 25%. Điều này giúp Microsoft được xếp thứ 6 trong danh sách của Fortune về tỷ lệ lợi nhuận. Ngược lại, hãng ôtô khổng lồ GM có doanh thu 4 cent trên mỗi đô la nên chỉ đứng thứ 281.
Vấn đề của Microsoft nằm trong dự báo. Giá cổ phiếu tiếp tục tăng ở mức hiện tượng, hơn 60% mỗi năm từ 1986 đến 1995. Lý do duy nhất là vì công ty duy trì được cả tỷ lệ lợi nhuận đáng ghen tị; và tiếng tăm của công ty trên Wall Street đã được đánh giá là kẻ chiến thắng bất diệt. Tỷ lệ lợi nhuận 10% (khiến Microsoft được đứng trong hàng ngũ hàng trăm công ty thương mại công cộng) sẽ không làm ảnh hưởng gì đến dự báo này - vì người đàn ông mà tờ Business Week, không hề ngần ngại và không cần trích dẫn lời ai đó, đã gọi là “kẻ cạnh tranh tàn nhẫn nhất trong ngành công nghệ cao”.
Dĩ nhiên, Reardon và đồng nghiệp nắm lấy thách thức của Gates khi ông tuyên bố Internet không phải là một cuộc chiến một mất một còn để tồn tại. Tại Microsoft, thứ duy nhất mọi người thích thú hơn là triển vọng về một cuộc chiến tranh toàn lực (Kiểu như: “Chúng ta là những con thuyền tuần tra”) và chứng kiến giá cổ phiếu tiếp tục leo vọt. Barksdale cấm đặt các máy điện báo cổ phiếu tại các văn phòng Netscape và hạn chế nói chuyện về giá cổ phiếu; còn ở Microsoft, bất kỳ nhân viên nào cũng chứng kiến giá cổ phiếu lên xuống hàng ngày bằng một chiếc máy đặt dưới màn hình máy tính của họ. Cổ phiếu Microsoft được chia vào năm 1990, 1991, 1992 và 1994; nhưng “ngài Softie” - như giới thương nhân trên thị trường Wall Street vẫn trìu mến gọi Microsoft - vẫn là “cục cưng” của thị trường Wall Street nếu công ty chinh phục được Internet, như từng làm được đối với thế giới hệ điều hành và các ứng dụng khác. Chỉ khi ấy, các khả năng mua cổ phiếu mà mỗi lập trình viên đều trông cậy vào lúc về hưu sẽ mang lại cho họ một số tiền lãi kếch xù, cũng như nó đã từng biến nhiều lập trình viên trước đây của Micosoft thành những triệu phú.
Lương khởi điểm cho một lập trình viên vừa ra trường là 40.000-45000 USD. Một lập trình viên 22 tuổi nếu được trả 45.000 USD thì tức là được trả một mức cao hơn nhiều so với một công nhân trung bình ở Mỹ, nhưng cũng chẳng đáng mừng lắm nếu tính tới số giờ làm việc và thu nhập ở những đối thủ cạnh tranh kém lợi nhuận của Microsoft. Lương lậu hạn chế (cùng với chế độ nghỉ ngơi bèo bọt - hai tuần một năm trong 5 năm đầu tiên) là cách thức để công ty duy trì mức lợi nhuận cao như vậy. Phần lớn quỹ đền bù cho nhân viên được lấy từ chương trình trao đổi quyền cổ phiếu rộng rãi của công ty, cho nên không ảnh hưởng gì đến lợi nhuận công ty.
Nhân viên mới được hưởng những quyền này khi được tuyển dụng (thường là 500-700 cổ phiếu cho những người mới ra trường, và nhiều hơn nếu họ có kinh nghiệm về lập trình) và họ có thể tích lũy thêm nếu người quản lý thấy họ có thực lực và có triển vọng. Một nhân viên có thể để dành ra 10% tiền lương để mua cổ phiếu với mức chiết khấu 15%. Hãy thử hỏi Softie tại sao lại làm việc vất vả như vậy, bạn sẽ thấy người ta nói về niềm hãnh diện là chính (Reardon bảo: tôi muốn chứng tỏ rằng một công ty lớn như Microsoft có thể làm những việc rất tài ba). Nhưng câu trả lời đó đã che đậy một thực tế: giá cổ phiếu là chuẩn mực để đo mức độ thành công của công ty. “Họ muốn tước đi nền giáo dục đại học của con cái bạn” - đó là lời một số nhà quản lý bậc trung hay nói về Netscape (hoặc về Sun hoặc bất kỳ kẻ thù thường trực nào). Vào đầu năm 1996, Gates sở hữu khoảng 1/4 cổ phiếu công ty, tương đương với 550 triệu cổ phiếu. Điều này có nghĩa giá trị của “trùm sò” này có thể lên tới 100 tỷ USD trong năm 2000. Hãy nghĩ xem: Giá của Bill là hơn 100 tỷ USD! Trời! Và điều đó đã xảy ra!
Người sáng lập Netscape Jim Clark nói về Microsoft trong một cuộc phỏng vấn với tờ Upside: “Bọn chúng đúng là những động vật ăn thịt”. Người ở Redmond nói về Netscape: “Chúng thật là những con lừa kiêu căng”. Andressen gửi e-mail cho mọi người, thậm chí cả những người ông không hề quen biết, tuyên bố Microsoft là khỉ đột khổng lồ Godzilla, Đế chế quỷ, hay đơn giản là “những thằng ngốc ở Redmond”. Những cao thủ ở Silicon chỉ còn nước lắc đầu. Một giám đốc điều hành uy tín ở Silicon nói: “Nếu bạn có cơ hội gặp gỡ, thái độ của họ sẽ là: Mẹ cha cái thằng Windows. Già rồi, xấu xí, béo phệ, thuộc thời kỳ Byzantine rồi!”. Có người tự nhủ: Sao các ông lại muốn chọc tức Gates như vậy? Sao các ông cứ muốn nhử cái khăn lụa đỏ trước mặt con bò tót?
Mục tiêu của Microsoft là bắt bí từng đặc điểm của Netscape. Tuy không công khai nhưng mục đích của Microsoft là dạy cho Netscape một bài học. Cổ phiếu Netscape đã giảm 18% vào đúng ngày Bill Gates phát biểu nhân dịp kỷ niệm Trân Châu cảng. Thế nhưng nhân viên Microsoft lại tuyên bố rằng họ sẽ không cảm thấy hài lòng cho đến khi nào giá cổ phiếu Netscape giảm ít nhất 2/3. Nhân viên Microsoft đã rất nỗ lực: họ rượt đuổi, họ làm việc 24 tiếng một ngày, 7 ngày một tuần, những con mắt đờ đẫn vì mệt mỏi. Họ thậm chí không nghỉ để ăn uống cho tử tế mà chỉ ngấu nghiến qua loa. Netscape Navigator có thể chơi nhạc, vậy thì Explorer cũng sẽ chơi nhạc - mà là nhạc chất lượng cao. Rõ ràng Netscape đang tiến hành chương trình phầm mềm cho phép người sử dụng máy tính có thể nói chuyện qua Internet bằng điện thoại, vì vậy Microsoft cũng tiến hành phầm mềm gọi là NetMeeting cho phép triệu tập những cuộc họp trên mạng.
9 tháng sau khi phát hành phiên bản IE 4.0, Microsoft đã làm lễ kỷ niệm sự kiện ở San Francisco. Sau bữa tiệc, một nhóm các lập trình viên còn ngây ngất hơi men đã thuê một chiếc xe tải để thả một chữ ‘e’ thường cỡ lớn - biểu tượng của Internet Explorer - tại trụ sở của Netscape, dưới cửa sổ của Barksdale. Họ còn gắn kèm một tấm thiệp vào món quà. Đó là bức tranh một đứa trẻ đang khóc với thông điệp “Thật không công bằng. Những người tốt luôn thấy cuộc sống tươi đẹp. Gửi tới các bạn những lời chúc tốt đẹp nhất. Đội IE”. Barksdale đã dựng lên một mặt trận của lòng dũng cảm. Ông đã quay trở lại cái thời của mình là chuyên viên hàng đầu với một khởi đầu khó khăn. Chắc phải có thêm những tin tức sôi động, những tiêu đề mới. Nhưng hiện nay, Netscape chỉ là một trong số những công ty phần mềm cạnh tranh với những thằng đầu bò đại loại như Microsoft và IBM. The Borg đã hút hết sự sống của nó. Động lực và sự kỳ diệu đã qua rồi.
(Trích "Những âm mưu hủy diệt Bill Gates" do First News phát hành)

Hãy khát khao!




Bất kỳ ai muốn thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào đều phải sẵn lòng đốt con thuyền của mình và cắt đứt mọi con đường có thể rút lui. Đó là cách duy nhất để đảm bảo duy trì trạng thái tinh thần khát khao chiến thắng, điều kiện cần thiết để vươn tới thành công.

Những người biến ước mơ thành vàng

Khi Edwin C. Barnes bước xuống ga tàu hỏa ở West Orange, New Jersey, bề ngoài của anh trông có vẻ giống như một kẻ lang thang, nhưng trong trí tuệ của kẻ lang thang ấy ẩn chứa tư tưởng của một ông hoàng.
Trong lúc Barnes đi từ đường ray xe lửa đến văn phòng của Thomas A. Edison, tâm trí anh luôn hoạt động. Anh mường tượng ra cảnh mình đang đứng trước Edison. Barnes như nghe thấy anh đang yêu cầu Edison cho mình một cơ hội để thực hiện nỗi ám ảnh chi phối suốt cuộc đời, nỗi khát khao cháy bỏng được trở thành người hợp tác kinh doanh với nhà phát minh vĩ đại.
Khát vọng của Barnes không chỉ là một niềm hy vọng, cũng không chỉ là một niềm mong ước. Đó là nỗi khát khao sôi sục chảy trong huyết quản của anh. Nỗi khát khao rõ ràng và kiên định ấy mạnh hơn bất kỳ điều gì khác.
Vài năm sau, Edwin C. Barnes lại đứng trước Edison, cũng ở trong căn phòng nơi anh đã gặp nhà phát minh lần đầu tiên. Lần này thì khát vọng của anh đã thành hiện thực. Anh trở thành người hợp tác kinh doanh với Edison. Giấc mơ chi phối cuộc đời anh đã được hiện thực hóa.
Barnes thành công vì anh đã lựa chọn cho cuộc đời mình một mục tiêu rõ ràng, dành hết năng lượng, sức mạnh ý chí, nỗ lực cá nhân và tất cả những gì anh có để đạt bằng được mục tiêu đó.
Trong quãng thời gian năm năm trước khi cơ hội mà Barnes tìm kiếm xuất hiện (quãng thời gian anh chỉ làm công ăn lương trong văn phòng Edison), với mọi người, anh chỉ như một bánh răng nhỏ trong guồng máy kinh doanh của Edison. Nhưng trong thâm tâm Barnes, anh luôn là đối tác của Edison và cách nghĩ ấy nung nấu từng giây từng phút ngay từ ngày đầu tiên anh làm việc ở văn phòng của Edison.
Đó là một ví dụ điển hình minh họa cho sức mạnh của một khát vọng rõ ràng và mãnh liệt. Barnes đã đạt được mục đích vì anh muốn trở thành người cộng tác kinh doanh với Edison hơn bất kỳ điều gì khác. Anh đã vạch ra một kế hoạch nhằm đạt được mục đích đó và không bao giờ lùi bước. Anh kiên định giữ vững niềm khát khao của mình cho đến khi nó trở thành một nỗi ám ảnh và cuối cùng biến thành sự thật.
Khi đến West Orange, Barnes không tự nhủ rằng: “Mình sẽ thuyết phục Edison cho mình một công việc kiểu gì cũng được”, mà anh tự khẳng định với bản thân mình: “Mình sẽ gặp Edison và làm cho ông ta nhận ra rằng mình đến để cùng kinh doanh với ông”.
Anh không nói rằng: “Trong trường hợp thất bại, mình sẽ tìm kiếm một cơ hội khác”, mà anh nói: “Chỉ có một điều trên thế gian này mà mình quyết tâm phải đạt cho bằng được, đó là được cộng tác kinh doanh với Edison. Mình sẽ thiêu rụi tất cả những cây cầu sau lưng và đánh cuộc toàn bộ tương lai vào khả năng của bản thân để đạt được những gì mình muốn”.
Anh không để lại cho mình một con đường để rút lui. Anh phải thành công hay là chết. Đó chính là lý do giải thích cho câu chuyện thành công của Barnes.
Không được phép lùi bước
Câu chuyện sau có lẽ xảy ra từ lâu lắm rồi, thời đó, một chiến binh vĩ đại buộc phải đưa ra một quyết định để đảm bảo chiến thắng trên chiến trường. Ông chuẩn bị đem quân đi đánh một kẻ địch hùng mạnh với quân số vượt trội. Ông cho quân của mình lên thuyền, dong buồm ra khơi tới vương quốc của kẻ địch. Đến nơi, người chiến binh quả cảm cho tất cả quân trang và binh lính của mình xuống thuyền, sau đó ra lệnh đốt chính những chiếc thuyền đã chở họ. Ông nói với binh sĩ trước khi bắt đầu trận chiến: “Các ngươi có nhìn thấy những chiếc thuyền đang bốc cháy kia không? Điều đó có nghĩa là chúng ta không thể rời khỏi bờ biển này nếu chúng ta không chiến thắng! Giờ đây không còn sự lựa chọn nào khác, chúng ta phải chiến thắng hoặc chúng ta bị tiêu diệt”.
Và cuối cùng họ đã thắng.
Bất kỳ ai muốn thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào đều phải sẵn lòng đốt con thuyền của mình và cắt đứt mọi con đường có thể rút lui. Đó là cách duy nhất để đảm bảo duy trì trạng thái tinh thần khát khao chiến thắng, điều kiện cần thiết để vươn tới thành công.
Buổi sáng sau trận hỏa hoạn khủng khiếp ở Chicago, một nhóm thương gia đứng trên phố State, nhìn lại đống tro tàn mà trước đó không lâu còn là cửa hàng của họ. Họ tranh luận với nhau để quyết định xem liệu nên xây dựng lại mọi thứ ở đây hay rời khỏi Chicago và làm lại từ đầu tại một vùng đất khác nhiều triển vọng hơn. Cuối cùng thì tất cả họ đều quyết định rời khỏi Chicago. Chỉ có một người duy nhất quyết tâm ở lại bám trụ trên mảnh đất chỉ còn là đống tro tàn.
Người thương gia đó đã chỉ tay vào đống tro tàn trước kia từng là cửa hàng của mình và tuyên bố: “Các ngài hãy chờ xem, chính ngay tại chỗ này đây, tôi sẽ xây nên một cửa hàng lớn nhất thế giới, cho dù nó có sập xuống thêm bao nhiêu lần đi chăng nữa vì hỏa hoạn”.
Đó là năm 1871. Không lâu sau, cửa hàng của ông đã được xây dựng lại. Cho đến bây giờ, cửa hàng bách hóa Marshall Field vẫn đứng đó sừng sững như một tượng đài biểu trưng cho sức mạnh của niềm khát khao cháy bỏng. Thật dễ cho Marshall Field nếu ông làm đúng những gì mà các thương gia khác đã làm. Khi mọi chuyện trở nên khó khăn và tương lai có vẻ mờ mịt, họ chỉ việc bỏ cuộc và tìm đến nơi có cuộc sống dễ dàng hơn.
Hãy lưu ý kỹ sự khác biệt này giữa Marshall Field và những thương gia khác, bởi vì đó cũng chính là điểm khác biệt giữa những người thành công và những người thất bại.
Mỗi con người khi đến tuổi hiểu được giá trị của tiền bạc đều mong muốn có được nó. Nhưng chỉ mong muốn thôi sẽ không mang đến cho bạn sự giàu có. Bạn cần có Khát vọng làm giàu, biến khát vọng đó thành một nỗi ám ảnh, lập một kế hoạch chi tiết về cách thức và phương tiện để đạt được sự giàu có và kiên trì thực hiện bằng được những kế hoạch đó mà không bao giờ lo sợ thất bại. Đó mới là những yếu tố cần và đủ giúp bạn có được cuộc sống giàu sang.
Sáu bước để biến khát khao thành vàng
Phương pháp để biến khát vọng giàu có của bạn thành những tài sản vật chất tương đương bao gồm sáu bước rõ ràng và thiết thực sau đây:
Bước một: Xác định rõ trong tâm trí bạn số tiền chính xác mà bạn muốn có. Nếu bạn chỉ nói: “Tôi muốn có rất nhiều tiền” thôi thì chưa đủ. Hãy xác định rõ số tiền này.
Bước hai: Xác định rõ xem bạn định đánh đổi cái gì để nhận được số tiền mà bạn mong muốn (một thực tế mà ai cũng phải thừa nhận là mọi thứ đều có giá của nó).
Bước ba: Xác định rõ ràng ngày mà bạn muốn có được số tiền đó.
Bước bốn: Hãy lên một kế hoạch cụ thể để thực hiện ước muốn của bạn và bắt đầu thực hiện kế hoạch này ngay, dù bạn đã sẵn sàng hay chưa.
Bước năm: Viết một bản tuyên bố rõ ràng và ngắn gọn trong đó liệt kê số tiền mà bạn muốn có, thời hạn để đạt được số tiền đó, cái giá mà bạn sẵn sàng trả và một kế hoạch cụ thể để đạt được nó.
Bước sáu: Hãy đọc to bản tuyên bố của bạn thành tiếng hai lần một ngày, một lần trước khi đi ngủ và một lần khi thức dậy. Trong lúc bạn đọc, hãy tập tưởng tượng, cảm nhận và tin rằng bạn đã có được số tiền đó rồi.
Việc bạn tuân theo những chỉ dẫn được mô tả trong sáu bước trên là rất quan trọng và cần thiết. Trong đó, bước thứ sáu đặc biệt quan trọng. Bạn sẽ phàn nàn rằng làm sao có thể “tưởng tượng là mình đang có thật nhiều tiền” trong khi bạn thật sự chưa có nó. Một khát vọng làm giàu mãnh liệt sẽ giúp bạn thực hiện điều tưởng như không thể ấy. Nếu bạn thật sự khát khao giàu sang đến mức điều đó trở thành nỗi ám ảnh thì sẽ không khó để bạn tự thuyết phục mình rằng bạn sẽ đạt được sự giàu sang như thế. Mục đích rõ ràng là muốn có nhiều tiền và sự quyết tâm có được số tiền đó sẽ khiến bạn tin rằng bạn sẽ đạt được như vậy.
Nếu bạn chưa từng được dạy về cách thức vận hành của trí óc con người, những hướng dẫn trên có vẻ như không thực tế. Nhưng có lẽ thông tin sau sẽ giúp bạn tin tưởng hơn vào những chỉ dẫn trên: chính ông vua thép Andrew Canergie, một trong những người thành công nhất trong lịch sử nước Mỹ, đã nói với tôi về 6 bước đó. Andrew Carnegie bắt đầu sự nghiệp từ một người lao động bình thường trong những nhà máy thép. Mặc dù khởi đầu từ một xuất phát điểm thấp như vậy, ông đã thành công trong việc vận dụng những nguyên tắc trên để có được một gia tài khoảng hơn một trăm triệu đôla (tương đương với hai mươi tỷ đôla ngày nay và có thể còn nhiều hơn thế).
Sẽ thuyết phục hơn nếu bạn biết rằng nhà phát minh nổi tiếng và cũng là một doanh nhân rất thành đạt Thomas A. Edison đã nghiên cứu rất kỹ 6 bước nêu trên. Chính ông đã đồng ý rằng, chúng không chỉ là những bước cần thiết giúp tích lũy tiền bạc mà còn cần thiết để đạt được bất kỳ mục đích nào trong cuộc đời bạn.
Những bước nêu trên không đòi hỏi bạn phải lao động cực nhọc, không đòi hỏi sự hy sinh. Để áp dụng chúng cũng không đòi hỏi một học vấn quá cao nhưng bạn cần có một trí tưởng tượng đủ để có thể cảm nhận và thấu hiểu được rằng tích lũy tiền bạc không thể trông chờ vào cơ hội, số phận hay sự may mắn.
Giờ đây, bạn có thể đã hiểu rằng bạn không bao giờ có được nhiều của cải nếu bạn không có một khát vọng làm giàu mãnh liệt và một niềm tin thật sự rằng bạn sẽ đạt được điều đó.
Sức mạnh của những giấc mơ lớn
Nếu như bạn đang chạy trong cuộc đua tới cái đích là sự thành công và giàu có, bạn có thể cảm thấy được khích lệ khi biết rằng thế giới già cỗi mà chúng ta sống này đang đòi hỏi hơn bao giờ hết những ý tưởng mới, những phương cách làm việc mới, những nhà lãnh đạo mới, những phát minh mới, những phương pháp, kiểu dáng, phiên bản mới. Dường như tất cả mọi thứ trong thời đại chúng ta đều đang đòi hỏi được cách tân để trở nên mới mẻ hơn. Đằng sau tất cả những đòi hỏi đó, có một phẩm chất mà bạn nhất thiết phải có để đạt đến thành công: đó là sự kiên định theo đuổi mục tiêu, nghĩa là biết rõ mình muốn gì và khát khao cháy bỏng đạt được nó.
Nếu như bạn thật sự có khát vọng làm giàu, hãy nhớ rằng: những nhà lãnh đạo thực sự của thế giới này luôn là những người được trang bị và biết sử dụng một cách thiết thực sức mạnh vô hình của những cơ hội còn chưa hình thành. Họ chính là những người chuyển những cơ hội đó thành những tòa nhà chọc trời, những thành phố, những nhà máy, những phương tiện vận tải, những hình thức giải trí và những tiện nghi làm cho cuộc sống trở nên dễ dàng, nhanh gọn, tốt đẹp và thoải mái hơn.
Trong khi vạch ra kế hoạch cụ thể để đạt được sự thành công và giàu có, bạn đừng bị lung lay hay nhụt chí vì những người xem bạn như kẻ mơ mộng. Để làm được một điều gì đó lớn lao trong thế giới đang thay đổi này, bạn phải học hỏi tinh thần của những người đi tiên phong trong quá khứ, những người ước mơ cống hiến tất cả những giá trị của mình cho nền văn minh nhân loại. Tinh thần ấy là dòng huyết mạch cho sự phát triển, là cơ hội cho bạn và tôi giải phóng hết những năng lực tiềm ẩn của mình.
Khát vọng cháy bỏng muốn trở thành một ai đó và muốn làm được một điều gì đó là điểm xuất phát cho những người biết ước mơ cất cánh. Mơ ước không bao giờ hình thành trong những người thờ ơ, lười biếng hay thiếu tham vọng.
Nếu điều mà bạn mong ước làm là đúng đắn và bạn tin vào nó, hãy tiến lên và thực hiện nó. Hãy biến giấc mơ của bạn thành sự thật, đừng bận tâm xem “người đời” nói gì nếu bạn gặp thất bại tạm thời. Họ không hiểu rằng mỗi sự thất bại đều mang trong mình hạt giống của một thành công tương đương.
Marconi ước mơ về một hệ thống có thể truyền tải âm thanh từ nơi này sang nơi khác mà không cần dây dẫn. Bạn sẽ thấy thú vị khi biết rằng “những người bạn” của Marconi đã tống ông vào một bệnh viện tâm thần khi ông thông báo với họ rằng đã khám phá ra nguyên lý để truyền những thông điệp qua không gian. Ngày nay, chúng ta đã nhận thấy rõ rằng Marconi không mơ mộng hão huyền chút nào. Bằng chứng có thể được tìm thấy trong mỗi chiếc radio, tivi, điện thoại di động, vệ tinh viễn thông hay bất kỳ một thiết bị vô tuyến quen thuộc nào khác.
May mắn là những người biết ước mơ ngày nay đã có nhiều điều kiện thuận lợi hơn so với ngày xưa. Thế giới ngày nay ẩn chứa vô số cơ hội mà những người “mơ mộng” trong quá khứ chưa từng biết tới.
Nếu bạn không tin điều đó là sự thật, nếu bạn cảm thấy tuyệt vọng vì những thất bại gần đây, thì những gì bạn sắp đọc sẽ có rất nhiều ý nghĩa. Bạn sẽ hiểu rằng thất bại chính là tài sản quý giá nhất. Hầu hết những người thành đạt đều đi lên từ bước khởi đầu hết sức khó khăn, trải qua rất nhiều những trở ngại tưởng như không thể vượt qua trước khi “đến đích”. Bước ngoặt trong cuộc đời những người thành đạt thường chính là những giai đoạn khủng hoảng như thế, đó là thời điểm mà qua đó họ “lột xác” và nhìn nhận ra một “cái tôi” khác trong con người mình.
Sydney Porter đã tìm thấy những phẩm chất thiên tài ngủ quên trong ông chỉ sau khi chịu đựng một nỗi bất hạnh lớn. Ông bị buộc tội tham ô và bị giam giữ trong một xà lim ở Columbus, Ohio. Chính tại nơi đây, ông đã làm quen với một “cái tôi” khác của chính mình.
Sydney Porter bắt đầu viết truyện ngắn. Sau đó, mặc dù vẫn đang bị nhốt trong xà lim, ông bắt đầu bán những truyện ngắn đó cho các tạp chí dưới bút danh O. Henry. Nhờ sử dụng trí tưởng tượng của mình, ông ta khám phá ra rằng bản thân ông có thể trở thành một nhà văn vĩ đại thay vì là một tên tội phạm khốn khổ và bị ruồng bỏ. Thời điểm được ra tù cũng là lúc O. Henry đã nổi tiếng khắp nước Mỹ như một nhà văn viết truyện ngắn xuất sắc nhất.
Thomas Edison ước mơ về một bóng đèn có thể thắp sáng được bằng điện. Ông liền bắt tay vào hành động để hiện thực hóa ước mơ ấy. Mặc cho hơn mười ngàn lần thất bại, nhà phát minh vẫn kiên trì với giấc mơ cho đến khi tạo ra được cho thế giới này thêm một thành tựu vĩ đại.
Henry Ford, một thanh niên nghèo khó và không được học hành đến nơi đến chốn, luôn mơ ước về một chiếc xe không cần ngựa kéo. Anh bắt tay ngay vào công việc với những công cụ thô sơ mà không chờ cho đến khi cơ hội thuận lợi đến với mình. Ngày nay, bằng chứng về ước mơ của Ford có thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào trên trái đất. Ford đã cống hiến nhiều sức lực vào việc hiện thực hóa giấc mơ ấy hơn bất kỳ người nào khác vì ông không bao giờ lo sợ rằng một ngày nào đó mình sẽ thoái chí và từ bỏ ước mơ.
Có một sự khác biệt cơ bản giữa việc ước ao một điều gì đó và việc sẵn sàng đón nhận nó. Chẳng ai sẵn sàng đón nhận điều gì cho đến khi người đó tin tưởng rằng họ sẽ đạt được điều đó. Điều quan trọng là trạng thái tinh thần phải luôn tin tưởng, chứ không chỉ hy vọng hay ước muốn. Cởi mở là yếu tố cần thiết để có được niềm tin. Một đầu óc bảo thủ sẽ không thể khích lệ bạn có được niềm tin và lòng can đảm thật sự.
Niềm khát khao mạnh hơn tạo hóa
Để tạo ra một điểm nhấn thích hợp cho chương này, tôi muốn giới thiệu đến các bạn con người kỳ lạ nhất mà tôi từng được biết. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy cậu ấy là vài phút sau khi cậu chào đời. Nhưng điều kỳ lạ là cậu bé sinh ra mà không có đôi tai. Khi nhận xét về trường hợp này, bác sĩ kết luận rằng đứa bé gần như sẽ bị câm và điếc suốt đời.
Tôi không chấp nhận ý kiến đó của bác sĩ. Tôi có quyền làm thế, vì tôi chính là cha đứa bé. Tôi cũng đã đi đến một quyết định nhưng không biểu lộ nó ra ngoài mà nung nấu trong tim.
Trong thâm tâm, tôi luôn tin rằng con trai tôi rồi sẽ nghe và nói được. Bằng cách nào? Tôi chắc rằng phải có một cách nào đó và tôi biết là tôi sẽ tìm ra nó. Tôi nghĩ về những lời của Emerson bất tử: “Tiến trình của vạn vật trong thế giới này dạy chúng ta bài học lớn về niềm tin”. Tất cả những gì ta cần làm là tuân theo. Sẽ luôn có những chỉ dẫn thích hợp cho mỗi chúng ta, và bằng cách khiêm tốn lắng nghe, chúng ta sẽ nghe thấy.
Và lời chỉ dẫn thích hợp mà tôi đã nghe thấy chính là "Hãy biết khát khao"! Hơn bất cứ điều gì khác, tôi khao khát con trai mình sẽ không phải làm một người câm điếc suốt đời. Vì khát khao đó mà tôi không bao giờ lùi bước dù chỉ một giây.
Tôi có thể làm được gì đây? Tôi không biết chắc chắn nhưng dù thế nào đi nữa thì tôi cũng sẽ tìm ra được những cách thức và phương tiện để gieo vào trong tâm trí con trai mình khát khao cháy bỏng đó, cho dù đứa trẻ không có đôi tai.
Ngay khi con đã đủ lớn để cùng hợp tác, tôi sẽ rót vào tâm trí nó niềm khát khao mãnh liệt được nghe thấy. Và tôi tin rằng Tạo hóa với phương pháp riêng của mình sẽ biến khát khao tinh thần đó thành sự thật.
Ý niệm đó luôn sôi sục trong tâm trí tôi, nhưng tôi không nói với ai cả. Mỗi ngày tôi đều tự hứa với mình rằng, con trai tôi sẽ không bị câm điếc suốt đời.
Khi con lớn hơn và bắt đầu chú ý đến sự vật xung quanh, chúng tôi nhận thấy rằng nó có thể nghe được đôi chút. Đến tuổi trẻ con thường bắt đầu tập nói, con trai tôi vẫn không nói được gì cả, nhưng qua hành động của nó, chúng tôi thấy rằng dường như nó có chút phản ứng với âm thanh.
Đó là tất cả những gì tôi cần biết! Tôi đoán chắc rằng nếu con trai tôi có thể nghe dù chỉ là chút xíu thôi thì thính lực của nó rồi sẽ phát triển. Sau đó, một chuyện bất ngờ đã xảy ra mang đến cho tôi niềm hy vọng lớn.
Chúng tôi mua một chiếc máy hát. Khi lần đầu tiên nghe thấy tiếng nhạc từ chiếc máy hát đó, con trai tôi tỏ ra rất phấn chấn và ngay lập tức giành lấy chiếc máy. Có lần, nó đi cho máy quay đi quay lại một chiếc đĩa hát trong gần hai tiếng đồng hồ. Nó đứng trước máy hát với hàm răng cắn chặt rìa vỏ máy. Chúng tôi không thể hiểu được ý nghĩa của hành động đó cho đến mãi những năm sau này, khi chúng tôi biết được nguyên lý: âm thanh có thể truyền được qua xương.
Không lâu sau chuyện với chiếc máy hát, tôi đã khám phá ra rằng con trai tôi có thể nghe rõ nếu như tôi nói mà kề môi chạm vào xương chũm của nó, phần xương phía sau mang tai và dưới hộp sọ.
Sau khi khẳng định được rằng con có thể nghe giọng tôi một cách rõ ràng, ngay lập tức tôi bắt đầu truyền vào tâm trí nó khát khao được nghe và nói. Tôi phát hiện ra rằng nó rất thích được nghe kể chuyện trước khi đi ngủ, vì thế tôi tự nghĩ ra những câu chuyện nhằm phát triển tinh thần tự chủ, óc tưởng tượng và khát khao mãnh liệt được nghe như mọi người bình thường khác trong tâm hồn non nớt của con.
Những câu chuyện mà tôi sáng tác thường đi theo một mạch riêng mà tôi cố tình nhấn mạnh. Mỗi lần kể tôi lại thêm vào những màu sắc và tình tiết mới mẻ đầy kịch tính. Tất cả các câu chuyện đều được xây dựng để gieo vào trong tâm trí đứa bé một quan niệm rằng nỗi bất hạnh của nó không phải là một món nợ mà ngược lại là một tài sản đầy giá trị. Từ kinh nghiệm và những nghiên cứu cá nhân, tôi tin tưởng chắc chắn rằng mỗi điều bất lợi đều mang trong nó một lợi thế tương đương. Tuy nhiên, ngoại trừ niềm tin ấy, tôi phải thừa nhận là mình không hề có ý tưởng khả dĩ nào có thể giúp biến nghịch cảnh thành một tài sản như thế.
Một thế giới mới chỉ với 6 xu
Khi phân tích lại những kinh nghiệm trong quá khứ, giờ đây tôi có thể thấy rằng niềm tin mà con trai dành cho tôi đã đưa đến những kết quả đáng kinh ngạc. Đứa trẻ không bao giờ thắc mắc về những gì tôi nói với nó. Tôi đã truyền cho con trai mình ý tưởng là nó có một lợi thế riêng so với anh nó. Lợi thế ấy sẽ được thể hiện theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ, các giáo viên trong trường học sẽ nhận thấy rằng nó không có đôi tai và vì vậy, họ sẽ đặc biệt chú ý và đối xử cực kỳ tử tế với nó. Sự thực là họ đã luôn làm như vậy. Tôi còn truyền cho con nhiều ý nghĩ tích cực khác. Ví dụ như khi nó đủ lớn để đi bán báo (anh trai nó đã trở thành người chuyên phát hành báo), nó sẽ có lợi thế lớn hơn nhiều so với anh nó. Người ta sẽ trả thêm tiền cho số báo mà nó bán vì họ sẽ thấy nó là một cậu bé sáng sủa và siêng năng cho dù không có đôi tai.
Khi con trai tôi lên bảy, lần đầu tiên, nó cho chúng tôi thấy rằng phương pháp khích lệ tinh thần của chúng tôi đã bắt đầu đơm hoa kết trái.
Trong suốt vài tháng liền, nó đã xin được đi bán báo nhưng vợ tôi nhất quyết không đồng ý. Cuối cùng, đứa trẻ đã quyết định tự mình giải quyết vấn đề. Một buổi chiều nọ, khi ở nhà với người giúp việc, nó đã trèo qua cửa sổ nhà bếp, nhảy xuống đất và một mình trốn ra ngoài. Nó mượn 6 xu từ người thợ đóng giày hàng xóm và mua báo để bán. Nó bán hết số báo đó, thu hồi vốn, rồi lại dùng số tiền này mua báo và đem bán cho đến tối. Sau khi trả lại sáu xu mượn của người đóng giày, nó còn lại số tiền lời bốn mươi hai xu. Đêm đó, khi về đến nhà, chúng tôi thấy nó đang nằm ngủ trên giường với số tiền nắm chặt trong tay.
Vợ tôi mở bàn tay con ra để lấy những đồng xu và khóc. Phản ứng của tôi lại khác. Tôi nở nụ cười sung sướng vì biết rằng mình đã thành công trong việc nỗ lực gieo lòng tự tin vào tâm trí đứa con thân yêu.
Vợ tôi xót thương cho con trai mình vì chỉ nhìn thấy trong dự án kinh doanh đầu tiên của nó hình ảnh một đứa trẻ điếc trốn ra đường và mạo hiểm tính mạng để kiếm tiền. Tôi lại thấy đó là hình ảnh một doanh nhân nhỏ tuổi đầy can đảm, tham vọng, tự chủ và luôn tin tưởng hai trăm phần trăm vào thắng lợi của mình. Nó đã kinh doanh bằng sáng kiến riêng và đã chiến thắng. Tôi không chỉ hài lòng mà còn rất ấn tượng về con trai mình. Nó đã chứng tỏ năng lực và sự tháo vát, những hành trang quan trọng sẽ đi theo nó suốt cuộc đời.
Đứa trẻ điếc ấy dần học lên cao, trung học rồi đại học, mà vẫn không thể nghe được lời giảng của giáo viên, trừ khi họ nói thật to ở khoảng cách rất gần. Nó không tới trường câm điếc và chúng tôi cũng không muốn con trai mình học ngôn ngữ cử chỉ. Chúng tôi quyết tâm để con sống một cuộc sống bình thường như những đứa trẻ bình thường khác. Chúng tôi giữ vững quyết tâm đó dù nhiều lần phải tranh cãi quyết liệt với các cán bộ quản lý nhà trường.
Khi con trai tôi học trung học, nó đã thử dùng máy trợ thính nhưng không có tác dụng gì cả.
Trong tuần cuối cùng ở đại học, một chuyện đã xảy ra và đánh dấu bước ngoặt quan trọng nhất của cuộc đời con trai tôi. Có ai đó đã tình cờ gửi cho nó một thiết bị trợ thính đang trong thời kỳ thử nghiệm. Nó không thiết tha gì lắm với việc sử dụng thử chiếc máy vì đã nhiều lần thất vọng với những thiết bị cùng loại. Cuối cùng, nó nhặt thiết bị lên, hờ hững đeo vào tai rồi bật máy. Và như một phép lạ, niềm khát khao bấy lâu được nghe như một người bình thường của nó đã trở thành sự thật. Lần đầu tiên trong đời, con trai tôi có thể trò chuyện tự nhiên với những người khác mà họ không cần phải nói to như hét vào tai nó. Nó thật sự đã bước vào một thế giới khác hoàn toàn với thế giới trước kia mà nó đã sống.
Khát vọng đã bắt đầu có kết quả nhưng chiến thắng đó vẫn chưa toàn vẹn. Con trai tôi vẫn còn phải tìm kiếm những cách thức rõ ràng và thực tế để biến khiếm khuyết của mình thành một lợi thế tương đương.
Tư tưởng tạo nên những điều kỳ diệu
Say sưa với niềm vui sướng được khám phá thế giới âm thanh, con trai tôi đã viết một lá thư đến nhà sản xuất của bộ máy trợ thính đó, nhiệt tình kể lại những trải nghiệm của bản thân. Một điểm đặc sắc nào đó trong lá thư đã làm cho nhà sản xuất mời nó đến New York. Nó được dẫn đi tham quan nhà máy và trong khi đang nói chuyện với kỹ sư trưởng về thế giới mới của mình thì một linh cảm, một ý tưởng, một sáng kiến - bạn gọi bằng cách nào cũng được - chợt lóe lên trong tâm trí nó. Lực đẩy vô hình của ý tưởng đó đã biến sự mất mát của con trai tôi thành một tài sản quý giá, thứ tài sản được định sẵn là mang đến tiền bạc và hạnh phúc lâu dài không chỉ cho nó mà còn cho hàng ngàn người khác.
Nội dung tổng quát và bản chất của lực đẩy vô hình đó là: Con trai tôi nghĩ rằng mình có thể giúp đỡ hàng triệu người điếc khác đang phải sống mà không có các thiết bị trợ thính nếu nó tìm được cách kể cho họ nghe về cuộc sống mới mà nó đang tận hưởng sau khi sử dụng thiết bị đó.
Trong suốt một tháng, con trai tôi chuyên tâm nghiên cứu và phân tích toàn bộ hệ thống tiếp thị của nhà sản xuất những thiết bị trợ thính ấy. Nó lên một kế hoạch tiếp cận với những người khiếm thính trên toàn cầu nhằm chia sẻ với họ thế giới đổi thay mà nó vừa khám phá. Sau khi hoàn thành, con trai tôi viết hẳn một dự án dài hạn hai năm dựa trên những phát hiện của riêng nó. Dự án được trình bày với công ty và ngay lập tức nó được giao cho một vị trí để thực hiện tham vọng ấy.
Con trai tôi đã hơi mơ mộng một chút khi bắt tay vào việc. Nó tin rằng mình được sinh ra để mang hy vọng và niềm tin đến cho hàng ngàn người khiếm thính, những người mà nếu không có sự giúp đỡ của nó, có thể sẽ phải vĩnh viễn sống trong thế giới vô thanh.
Tôi hoàn toàn không nghi ngờ khả năng con trai tôi - Blair - có thể sẽ trở thành một người câm điếc suốt đời nếu tôi và vợ tôi không cố gắng định hình trong tâm trí nó một khát khao cháy bỏng được nghe nói như bao người bình thường khác.
Khi tôi gieo vào tâm trí Blair khát khao được nghe, nói và sống như bao người bình thường khác, khát khao ấy đã tạo ra một ảnh hưởng đặc biệt khiến Tạo hóa trở thành một cây cầu bắc qua hố ngăn cách im lặng giữa trí óc nó với thế giới bên ngoài.
Thật vậy, con đường biến một khát khao cháy bỏng thành một giá trị vật chất nào đó tương đương thường không bằng phẳng mà rất quanh co, khúc khuỷu. Blair khát khao nghe được bình thường và giờ đây điều đó đã trở thành hiện thực, cho dù nó được sinh ra trong tật nguyền. Trong khi đó, hoàn cảnh có thể dễ dàng đẩy một người không có khát khao mãnh liệt xuống đường với vài cây bút chì và một cái ly thiếc.
“Lời nói dối vô hại” mà tôi đã gieo vào tâm trí Blair khi còn nhỏ đã làm cho nó tin rằng nỗi bất hạnh mà nó phải chịu đựng rồi sẽ trở thành một tài sản lớn. Niềm tin ấy giờ đây đã được chứng minh là đúng. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng nếu con người thực sự có niềm tin cộng với một khát khao cháy bỏng về một điều gì đó thì dù đúng hay sai, điều đó cũng sẽ trở thành sự thật. Chân lý đó đúng và rộng mở với tất cả mọi người.
Một đoạn ngắn trong bài báo về nữ ca sĩ opera nổi tiếng Schumann-Heink sẽ giúp chúng ta hiểu tại sao cô lại đạt được những thành công kỳ diệu đến thế. Tôi muốn trích dẫn đoạn văn ấy dưới đây bởi thông điệp của nó không gì khác hơn chính là: Niềm khát khao mãnh liệt sẽ mang đến thành công.
“Lúc mới bắt đầu sự nghiệp của mình, Schumann-Heink đã đến gặp giám đốc nhà hát nhạc kịch Vienna và đề nghị ông nghe thử giọng hát của mình. Nhưng ông ta đã không thèm nghe. Sau khi liếc nhìn vẻ vụng về và cách ăn mặc tuềnh toàng của cô gái, ông giám đốc đã tuyên bố thẳng thừng không chút khách sáo: “Với khuôn mặt và vẻ ngoài không có gì đặc sắc như thế này, làm sao cô có thể hy vọng thành công trong giới ca kịch cơ chứ? Thôi nào cô gái ngoan, hãy từ bỏ ý định đó đi. Hãy về mua một chiếc máy may và hàng ngày ở nhà may vá. Cô không bao giờ trở thành ca sĩ được đâu!”
Nhưng dự đoán của ông giám đốc đã sai, cho dù từ cái “không bao giờ” mà ông nghĩ đến hiện thực thành công của Schumann-Heink là cả một khoảng thời gian dài. Giám đốc nhà hát nhạc kịch thành Vienna hiểu biết nhiều về kỹ thuật ca hát nhưng ông lại chẳng biết gì về sức mạnh của lòng khát khao, đặc biệt khi nó trở thành một nỗi ám ảnh. Nếu ông hiểu rõ hơn về sức mạnh này, ông có lẽ đã không mắc phải một sai lầm là bỏ qua một thiên tài mà không cho người đó bất cứ cơ hội nào để thử sức.
Vài năm về trước, một trong những trợ tá kinh doanh của tôi bị ốm. Càng ngày sức khỏe anh ấy càng tệ đi và cuối cùng anh được đưa đến bệnh viện để phẫu thuật. Bác sĩ báo trước với tôi rằng anh ấy còn rất ít cơ hội được sống. Nhưng đó là ý kiến của bác sĩ chứ không phải của người bệnh. Trước khi được đẩy vào phòng mổ, anh đã nói thầm với tôi: “Đừng lo lắng quá, sếp. Tôi sẽ ra khỏi đây trong vài ngày tới thôi mà”. Cô ý tá gần đó nhìn tôi bằng ánh mắt cảm thông. Nhưng rồi người bệnh đã qua khỏi. Sau khi mọi chuyện đã qua, bác sĩ của anh nói: “Chính khát khao được sống chứ không thể là cái gì khác đã cứu sống anh ấy. Có lẽ anh ấy đã không qua khỏi nếu như không dũng cảm từ chối lưỡi hái của tử thần”.
Tôi rất tin vào sức mạnh của niềm khát khao được hậu thuẫn bởi niềm tin. Tôi đã thấy sức mạnh này nâng con người từ những xuất phát điểm rất thấp lên những tầm cao của tiền tài và danh vọng. Tôi đã thấy nó giành lấy sự sống ngay trên tay của tử thần. Tôi đã thấy nó giúp bao người gượng dậy sau khi bị đánh ngã bởi hàng trăm ngàn khó khăn thử thách. Tôi đã thấy sức mạnh diệu kỳ đó mang đến cho con trai tôi một cuộc sống bình yên, hạnh phúc và thành đạt, mặc cho Tạo hóa đã tạo ra nó mà không cho nó đôi tai.
Vậy làm cách nào để bạn có thể nắm giữ và sử dụng được sức mạnh của khát vọng? Phần đầu tiên của câu trả lời đã có trong những kỹ thuật được đề cập đến trong phần đầu chương này. Bạn sẽ tiếp tục tìm thấy toàn bộ đáp án cho câu hỏi trên trong các chương tiếp theo của cuốn sách.
Qua một vài nguyên tắc kỳ diệu và đầy sức mạnh, Tạo hóa đã che giấu một chân lý ẩn bên trong sự thôi thúc của khát vọng. Chân lý ấy không chấp nhận những từ như “không thể” và không chấp nhận bất kỳ một thực tế nào mang tên “thất bại”.
(Trích "Cách nghĩ để thành công" do Công ty First News phát hành)

Luna2

x_3d6a1fbb